Bài viết được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ tim mạch, sáng lập viên Cardiac Home
Hiện đang công tác tại Viện Tim Mạch, Bệnh Viện Bạch Mai
Tăng huyết áp, huyết áp cao hiện đang là bệnh lý cực kỳ phổ biến hiện nay với nhiều hậu quả nghiêm trọng mà chúng mang đến cho người bệnh. Tăng huyết áp được biết đến với 2 thể lâm sàng gồm tăng huyết áp khẩn cấp và tăng huyết áp cấp cứu. Trong đó tăng huyết áp cấp cứu là một dạng bệnh lý có khả năng để lại tổn thương nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời. Sau đây Cardiac Home xin chia sẻ đến bạn một số cách cấp cứu tăng huyết áp như thế nào để từ đó có phương án xử lý cho phù hợp nhằm hỗ trợ cứu sống bệnh nhân, tránh được nguy cơ để lại nhiều biến chứng nặng nề về sau.
Tăng huyết áp cấp cứu là gì?
Tăng huyết áp cấp cứu là tình trạng huyết áp trong cơ thể bắt đầu tăng cao kịch phát trong đó chỉ số huyết áp lớn hơn hoặc bằng 180mmHg/ 120mmHg (HATT/HATTr). Phát hiện kèm theo các tổn thương lên cơ quan đích mới xuất hiện, đang tiến triển hoặc bắt đầu chuyển nặng. Trong đó các loại tổn thương cơ quan đích thường gặp như là: đột quỵ thiếu máu não, xuất huyết nội sọ, xuất huyết dưới nhện, nhồi máu não, bệnh não tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim cấp, suy thất trái cấp tính kèm phù phổi, phình bóc tách động mạch chủ, suy thận cấp, đau ngực không ổn định, sản giật, viêm cầu thận cấp, võng mạc ác tính,…
Trong trường hợp tại nhà phát hiện bệnh nhân có các biểu hiện bất thường như: khó thở, đau ngực, đau lưng, nói khó, nhìn mờ, suy giảm ý thức, buồn nôn,… Đồng thời đo thấy huyết áp ở mức lớn hơn hoặc bằng 180mmHg/ 120mmHg. Trong trường hợp này sẽ cần gọi cấp cứu, liên hệ cơ sở ý tế gần nhất đưa bệnh nhân nhập viện ngay để được cấp cứu tăng huyết áp, có phương án xử lý hạ huyết áp kịp thời, giúp bệnh nhân vượt qua nguy hiểm.
Khác với bệnh lý tăng huyết áp cấp cứu thì tăng huyết áp khẩn cấp chỉ phát hiện dấu hiệu huyết áp tăng cao kịch phát với chỉ số lớn hơn hoặc bằng 180mmHg/ 120mmHg (HATT/HATTr) nhưng lại không tìm thấy bất kỳ bằng chứng tổn thương cơ quan đích. Trong trường hợp này sẽ cần hạ huyết áp cho bệnh nhân từ từ trong thời gian từ 24 giờ – 48 giờ vì nếu không có dấu hiệu tổn thương nhưng hạ huyết áp quá nhanh và đột ngột có thể làm ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể và gây tổn thương lên cơ quan đích.
>>> Xem thêm: Những hậu quả của tăng huyết áp mà bạn cần biết
Các dạng tăng huyết áp cấp cứu
Nhận biết được các dạng tăng huyết áp cấp cứu cũng là cách giúp mang lại nhiều thuận lợi cho việc chẩn đoán bệnh từ đó có phương án xử lý, chữa trị phù hợp. Sau đây là các dạng tăng huyết áp cấp cứu không nên bỏ qua:
- Tăng huyết áp ác tính: Dạng tăng huyết áp nặng với chỉ số huyết áp trên 200mmHg/ 120mmHg, có sự thay đổi đáy mắt, xuất hiện phù gai, phù mạch, xuất huyết, DIC và có thể kèm theo bệnh não (trường hợp tăng huyết áp có kèm theo triệu chứng co giật hoặc hôn mê)
- Tăng huyết áp nặng kèm theo một số bệnh lý nặng: Dạng tăng huyết áp có kèm theo tách thành động mạch chủ, suy tim cấp, thiếu máu cơ tim
- Tăng huyết áp đột ngột: Trường hợp tăng huyết áp này đã làm tổn thương cơ quan đích do ác u tủy thượng thận gây nên
- Tăng huyết áp nặng hay tiền sản giật: Đây là một dạng tăng huyết áp cấp cứu thường gặp trên phụ nữ có thai
Ngoài ra sẽ còn có các dạng tăng huyết áp có đi kèm theo nhiều biểu hiện khác như là: phù phổi do tim, sản giật, tiền sản giật, đột quỵ cấp,… Ở tình trạng huyết áp nặng có kèm theo hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn so với quá trình tạo ra hay giảm lượng tiểu cầu chính là biểu hiện của bệnh vi mạch khối huyết tăng huyết áp.
Xử lý khi tăng huyết áp cấp cứu như thế nào?
Cấp cứu tăng huyết áp hiệu quả sẽ giúp hạn chế được những nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân, đồng thời giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng về sau. Trong đó xử lý huyết áp cấp cứu được các y bác sĩ chuyên khoa đánh giá là tình trạng cần được quan tâm đặc biệt.
Nguyên tắc chung
- Tùy thuộc vào từng dạng tăng huyết áp để lựa chọn được liệu pháp tối ưu bằng thuốc để hạ huyết áp xuống mức mục tiêu
- KHÔNG hạ huyết áp xuống quá nhanh hay quá thấp sẽ khiến tình trạng thiếu máu cơ quan đích trở nặng
Huyết áp mục tiêu cần đạt trong quá trình xử lý tăng huyết áp cấp cứu
- Bệnh nhân phát hiện gặp tình trạng tăng huyết áp cấp cứu cần nhập viện khoa cấp cứu ICU để tiến hành theo dõi huyết áp, xem xét tổn thương cơ quan đích và truyền tĩnh mạch thuốc điều trị giảm huyết áp phù hợp
- Với các bệnh nhân có chỉ định bắt buộc (ví dụ như: tiền sản giật, sản giật, tách thành động mạch chủ,..) chỉ số huyết áp tâm thu HATT cần giảm xuống dưới 140mmHg trong 1 giờ đầu và giảm xuống dưới 120mmHg ở bệnh nhân có tình trạng tách thành động mạch chủ
- Với các bệnh nhân không có chỉ định bắt buộc thì chỉ số huyết áp tâm thu HATT giảm xuống không quá 25% trong 1 giờ đầu. Sau đó nếu tình trạng huyết áp ổn định thì tiếp tục giảm xuống còn 160mmHg/ 100mmHg trong từ 2 giờ – 6 giờ. Tiếp đó có thể thận trọng để giảm về mức huyết áp bình thường trong từ 24 giờ – 48 giờ.
- Bệnh nhân nhồi máu não cấp trong vòng 72h có thể không dùng thuốc hạ huyết áp trừ trường hợp huyết áp tăng hơn 220mmHg/ 110mmHg. Không hạ qua 15% trong 1 giờ đầu. Hoặc cần dùng thuốc tiêu sợi huyết nên hạ huyết áp xuống dưới 185mmHg/110mmHg trước khi truyền tiêu sợi huyết và duy trì để huyết áp ở mức dưới 185mmHg/105mmHg trong 24 giờ sau khi truyền tiêu sợi huyết
- Bệnh nhân nhồi máu não quá 72 giờ: Khi bệnh nhân đã được điều trị hạ huyết áp trước đó thì mục tiêu là cần đưa huyết áp huyết áp về mức nhỏ hơn 130mmHg/ 180mmHg. Trong trường hợp bệnh nhân chưa được điều trị mà huyết áp nhỏ hơn 140mmHg/9mmHg thì không điều trị
- Bệnh nhân xuất huyết nội sọ chưa quá 6 giờ: Nếu huyết áp ở mức lớn hơn 220mmHg thì sử dụng thuốc hạ áp truyền tĩnh mạch và tiến hành theo dõi tình trạng bệnh nhân một cách sát sao. Nếu huyết áp bệnh nhân ở mức từ 150mmHg – 220mmHg thì hạ huyết áp xuống mức 140mmHg là an toàn, không được hạ xuống dưới 140mmHg.
>>> Xem thêm: Chẩn đoán tăng huyết áp chính xác để chăm sóc sức khỏe hiệu quả
Lựa chọn thuốc phù hợp trong trường hợp tăng huyết áp cấp cứu
- Với trường hợp tăng huyết áp cấp cứu sẽ cần sử dụng những loại thuốc có khả năng cho tác dụng nhanh, đạt hiệu quả tối đa nhanh chóng, hết tác dụng nhanh và có thể dễ dàng chỉnh liều. Do đó các loại thước đường tĩnh mạch luôn là lựa chọn được ưu tiên.
- Thuốc sử dụng sẽ cần phụ thuộc vào từng hoàn cảnh lâm sàng cụ thể, sự sẵn có của cơ sở y tế và đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân dựa theo chỉ định của bác sĩ cấp cứu
- Các loại thuốc truyền tĩnh mạch được sử dụng như là: nitroglycerine, nicardipine, sodium nitroprusside, labetalol, hydralazine, enalaprilat, esmolol, phentolamine, fenoldopam,… Hiện để sử dụng các loại thuốc này sẽ cần tuân theo sự chỉ định của các y bác sĩ, bệnh nhân hay người nhà không nên tự ý tìm mua để điều trị!
Ngoài việc xác định cơ quan đích bị tổn thương để thực hiện can thiệp điều trị đặc biệt thì xác định và xử lý các yếu tố thúc đẩy tình trạng tăng huyết áp nặng thêm là điều vô cùng cần thiết như là lo lắng, hồi hộp, sử dụng các chất kích thích,… Chúng được cho là một trong những nguyên nhân thứ phát có một tỷ lệ bệnh nhân mắc tăng huyết áp cấp cứu hiện nay. Sau khi bệnh nhân đã được điều trị và mức huyết áp đã trở về mức an toàn, ổn định với thuốc uống thì vẫn cần thường xuyên tái khám từ 1 – 2 lần/ tháng để theo dõi tình trạng huyết áp đến khi huyết áp ở mức tối ưu.
Những biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp cấp cứu
Để phòng ngừa tốt hơn tình trạng tăng huyết áp cấp cứu xảy ra, nhất là cho những bệnh nhân đã có tiền sử tăng huyết áp sẽ cần tuân thủ theo đúng và đầy đủ yêu cầu phác đồ mà bác sĩ chuyên khoa đã đề ra, đồng thời lưu ý đến những thông tin sau đây:
- Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc, ngưng thuốc, thay đổi liều lượng thuốc mà không thông qua chỉ định của bác sĩ
- Những người có nguy cơ mắc tăng huyết áp cần thường xuyên thăm khám, kiểm tra định kỳ để nắm rõ tình trạng sức khỏe của mình, có các biện pháp xử lý và điều trị kịp thời nếu phát hiện bệnh
- Xây dựng cho bản thân một lối sống lành mạnh hơn, từ bỏ các thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe (hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, rượu bia,…)
- Tích cực rèn luyện, nâng cao sức khỏe thông qua việc tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày
- Có chế độ ăn uống khoa học hơn: Không sử dụng các thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm nhiều muối; ăn nhiều rau củ quả, các thực phẩm giàu dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn
- Sắp xếp thời gian sinh hoạt hàng ngày cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức, quá căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp
>>> Xem thêm: Có cần dùng thuốc huyết áp suốt đời? Và trả lời từ Bác sĩ
Trên đây là bài viết tổng hợp về bệnh lý tăng huyết áp cấp cứu, cách xử lý hiệu quả khi gặp trường hợp này và biện pháp giúp mọi người có thể phòng ngừa tăng huyết áp cấp cứu hiệu quả. Nắm được những kiến thức này sẽ vô cùng cần thiết cho người bệnh cùng người nhà có thể nhận diện được cơn tăng huyết áp cấp cứu một cách nhanh chóng, kịp thời từ đó có phương án xử lý đúng đắn, tránh được những nguy hiểm đến tính mạng.
Cardiac Home mang đến cho khách hàng dịch vụ khám, chẩn đoán, tư vấn điều trị, theo dõi và kiểm soát bệnh tăng huyết áp tại nhà vô cùng tiện lợi và hiệu quả. Với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm, luôn tận tâm hết lòng với bệnh nhân và hệ thống trang thiết bị hiện đại, tối tân mà Cardiac cung cấp chắc chắn sẽ đem lại trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Để được tư vấn chi tiết về các gói dịch vụ tại Cardiac Home hay đặt lịch khám tại nhà xin vui lòng liên hệ đến số Hotline 0862908168, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhanh chóng!