Rối loạn nhịp tim: Nguyên nhân và các biểu hiện thường gặp

Bài viết được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ tim mạch, sáng lập viên Cardiac Home

Hiện đang công tác tại Viện Tim Mạch, Bệnh Viện Bạch Mai

 

Mọi lứa tuổi đều có thể bị rối loạn nhịp tim nếu các xung điện kiểm soát và điều chỉnh nhịp tim bị trục trặc. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị mắc các chứng bệnh rối loạn nhịp tim như ngoại tâm thu, rung nhĩ hoặc nhịp tim nhanh kịch phát,… Những rối loạn nhịp tim này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không kịp thời điều trị và phát hiện. Dưới đây là lời khuyên của các bác sĩ tại Cardiac Home về vấn đề này.

Rối loạn nhịp tim là gì?

Chứng rối loạn nhịp tim đề cập đến những bất thường trong hoạt động điện học của tim. Có rất nhiều loại rối loạn nhịp tim khác nhau, một số rối loạn nhịp tim hầu như không có triệu chứng và nhưng một số khác lại có biến chứng cực kỳ nghiêm trọng và nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng và thậm chí gây tử vong. Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em hay người già và ở cả nam và nữ.

Rối loạn nhịp tim cũng có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là những người thường xuyên uống rượu, bia, nước tăng lực hoặc sử dụng chất kích thích. Lúc đầu, rối loạn nhịp tim có thể khó phát hiện nhưng chúng dần trở nên tồi tệ hơn khi cơ tim yếu đi và nhịp tim không đều gây ra tổn thương. Rối loạn nhịp tim có thể được ngăn ngừa bằng chẩn đoán sớm để đưa ra phác đồ điều trị cũng như duy trì lối sống lành mạnh.

roi loan nhip tim la gi

>>> Có thể bạn quan tâm: 3 hình thái của hội chứng động mạch vành cấp tính

Các biểu hiện của rối loạn nhịp tim

Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp phải ở những người mắc chứng rối loạn nhịp tim:

  • Biểu hiện của rối loạn nhịp tim phổ biến nhất là hồi hộp và tức ngực. Có cảm giác như tim đang “rơi” hoặc cảm giác tim ngừng đập trong một thời gian ngắn. Điều này thường kéo theo cảm giác đập thình thịch trong lồng ngực, đôi khi có cảm giác giống như bị ai “đánh” vào ngực.
  • Cảm thấy tim đập nhanh hơn bình thường, đôi khi chậm hơn, có lúc lại bất thường lúc nhanh lúc chậm.
  • Rối loạn nhịp tim kéo dài có thể gây ra các triệu chứng như mệt mỏi và khó thở.
  • Ợ chua: Đây là dấu hiệu nguy hiểm của chứng rối loạn nhịp tim, nó cũng là biểu hiện của một số bệnh tim mạch khác như tổn thương cơ tim, bệnh động mạch vành và thiếu máu cục bộ cơ tim. Để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Bệnh nhân có vấn đề về tim cũng có thể gặp các triệu chứng khác như chóng mặt, buồn nôn, choáng váng, ngất xỉu, đau đầu nhẹ kéo dài, hoa mắt,….

Nguyên nhân nào khiến rối loạn nhịp tim?

Nắm rõ nguyên nhân rối loạn nhịp tim chính là bước quan trọng đầu tiên nếu muốn điều trị hiệu quả. Dưới đây là những nguyên nhân bệnh rối loạn nhịp tim phổ biến nhất: 

Yếu tố tâm lý

Căng thẳng quá mức, có cảm xúc mạnh, lo lắng hay sợ hãi điều gì đó quá mức có thể kích thích cơ thể tiết ra hormone adrenaline. Điều này sẽ khiến tim đập mạnh hơn, nhanh hơn, gây hồi hộp từ đó làm rối loạn nhịp tim.

Do mắc các bệnh về tim

Rối loạn nhịp tim đôi lúc có căn nguyên từ rất nhiều bệnh lý tim mạch như:

  • Bệnh mạch vành: Làm giảm lưu lượng máu đến tim, ngăn mô cơ tim nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết.
  • Nhồi máu cơ tim với di chứng là những vết sẹo trong tim có thể rất nguy hiểm, chúng sẽ gây ra rối loạn nhịp tim và chặn đường dẫn truyền oxi đến tim.
  • Bệnh cơ tim bao gồm bệnh cơ tim phì đại và bệnh cơ tim giãn nở. Cả hai trường hợp đều dẫn đến sự biến dạng của cơ tim, khiến cơ tim không thể đáp ứng đúng với hệ thống dẫn truyền, điều này có thể gây ra chứng rối loạn nhịp tim.
  • Bệnh van tim: Nếu không được điều trị, việc hở hay hẹp van tim có thể gây phì đại hoặc giãn cơ tim. Điều này có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim tương tự như bệnh cơ tim.
  • Huyết áp cao: Đây là lúc tim phải làm việc nhiều hơn để vượt qua sức cản của các mạch máu. Điều này có thể gây ra những thay đổi về cấu trúc của tim và rối loạn nhịp tim nguy hiểm như rung tâm nhĩ.

nguyen nhan roi loan nhip tim

>>> Xem thêm: Bệnh mạch vành mạn tính: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Do một số loại thuốc và chất kích thích

Một số loại thuốc có thể làm tăng nhịp tim, chẳng hạn như thuốc trị hen suyễn và thuốc trị cảm lạnh. Ngoài ra những chất kích thích như cà phê, thuốc lá, bia rượu,… cũng là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim ở một số đối tượng. 

Do di truyền

Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim có thể là do ảnh hưởng của hội chứng wolff-parkinson-white hoặc khiếm khuyết trong các kênh ion chịu trách nhiệm kiểm soát điện áp trên màng tế bào tham gia vào quá trình dẫn truyền điện tim. Các bệnh khác như cường giáp và bệnh lý thần kinh tim cũng có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim. 

Các loại rối loạn nhịp tim

Nhịp tim xoang

Nhịp tim bình thường là nhịp xoang, nhịp tim có được là do sự kiểm soát nút xoang để tạo nhịp điệu. Nhịp nhanh xoang là tình trạng tim bạn đập nhanh hơn bình thường. Nó thường gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt.

Nhịp nhanh xoang có thể do đáp ứng sinh lý bình thường, nhịp tim tăng lên khi bạn thực hiện hoạt động sinh lý như thể thao, lao động, lo lắng, xúc động,.. hoặc nửa sau chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Trong những trường hợp này, nhịp tim sẽ trở lại bình thường khi nghỉ ngơi.

Một số trường hợp mắc nhịp nhanh xoang là do mắc các bệnh thiếu máu, cường giáp, sốt hoặc nhiễm trùng,… Nhịp nhanh xoang thường không cần dùng đến thuốc để điều trị, chỉ cần phát hiện và ngăn chặn nguyên nhân là được. Trường hợp bệnh nhân gặp phải tình trạng khó chịu hoặc xuất hiện nhiều triệu chứng thì các bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm nhịp tim.

Nhịp tim kịch phát trên thất

Nhịp tim nhanh kịch phát trên thất đề cập đến nhịp tim nhanh xảy ra ở phần trên của đường dẫn truyền, phần trên trước nơi chia bó His dẫn truyền tim. Nhịp tim nhanh kịch phát thường xảy ra bởi nhịp tim nhanh đột ngột hoặc sau khi gắng sức. Trong một số trường hợp, nó có thể kéo dài vài ngày trước khi trở lại bình thường. Bạn có thể cảm thấy chóng mặt, lo lắng, mệt mỏi hoặc thậm chí ngất xỉu.

Nhịp tim nhanh kịch phát trên thất có thể do nhịp bất thường cục bộ hoặc cơ chế của các đường dẫn truyền phụ trong tim. Khi thăm khám, bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ chẩn đoán chính xác nhịp tim nhanh và xác định loại nhanh, cơ chế nhanh từ đó đưa ra phác đồ điều trị rối loạn nhịp tim chuẩn xác. Nhịp nhanh trên thất có thể gây khó chịu trong thời gian dài, vì vậy đa số cần phải điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật để giải quyết triệt để.

cac kieu roi loan nhip tim

Ngoại tâm thu thất

Ngoại tâm thu thất có thể gặp ở hầu hết mọi người và chúng thường không gây triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên nếu ngoại tâm thu thất số lượng nhiều hoặc rơi vào trường hợp ngoại tâm thu thất chùm đôi, chùm 3, tức là có đến 2 – 3 nhịp ngoại tâm thu liên tục thì lại là câu chuyện khác. Biểu hiện dễ thấy nhất ở trường hợp này là đôi khi bạn sẽ thấy tim đập hững hoặc mất 1 vài nhịp. Đôi khi khiến cơ thể người bệnh mệt mỏi, chóng mặt và thậm chí là ngất xỉu đột ngột.

Hầu hết các ngoại tâm thu thất là lành tính và chúng ta không cần thực hiện bất cứ điều trị gì, chỉ khi căn bệnh này gây lên các triệu chứng cụ thể, ngoại thu tâm thất số lượng nhiều hoặc không may gặp phải ngoại tâm thu thất nguy hiểm ( Ngoại tâm thu đa ổ, chùm đôi, chùm ba…), thì sẽ cần đến bác sĩ và điều trị dùng thuốc hoặc can thiệp tim mạch để giải quyết triệt để.

Rối loạn nhịp tim có nguy hiểm không?

Có nhiều loại rối loạn nhịp tim và mỗi loại thì lại có một nguyên nhân khác nhau. Chứng loạn nhịp tim có thể nguy hiểm trong một số trường hợp và chúng cũng là nguyên nhân chính gây tổn thương cơ tim, suy tim và các biến chứng khác có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng. Bệnh nhân có thể có nguy cơ cao bị rối loạn nhịp tim do tăng nguy cơ biến chứng như sau:

Đột quỵ

Cục máu đông có thể hình thành trong mạch máu khi nhịp tim không đều, những cục máu đông này sẽ di chuyển cùng với máu khắp cơ thể. Chúng có thể di chuyển theo dòng máu đến não và đi vào các mạch máu nhỏ. Điều này gây ra các vấn đề về lưu thông máu, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Tai biến mạch máu não là hậu quả của việc máu không được cung cấp lên não. Đột quỵ khiến các tế bào não chết nhanh hơn và không thể tự khắc phục được.

Suy tim

Rối loạn nhịp tim có thể kéo dài trong một thời gian dài. Điều này làm cho khả năng bơm máu của tim kém hiệu quả hơn, tim được nuôi dưỡng kém hơn dẫn đến suy tim.

roi loan nhip tim co nguy hiem hay khong

Biến chứng khác

Ngoài đột quỵ, chứng rối loạn nhịp tim còn có khả năng làm hình thành cục máu đông gây nên biến chứng tắc mạch nguy hiểm khác có thể kể đến như: tắc mạch gây hoại tử chi, nhồi máu lách, nhồi máu thận, nhồi máu mạc treo,…

>>> Xem thêm: 3 biến chứng nhồi máu cơ tim cấp mà bạn cần biết

Như vậy¸ chứng rối loạn nhịp tim sẽ không gây nguy hiểm ngay lập tức cho người bệnh nhưng chúng là nguy cơ tiềm nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong. Do vậy khi gặp tình trạng rối loạn nhịp tim, chúng ta không nên chủ quan mà đến các địa chỉ khám bệnh uy tín để được đưa ra lời khuyên. Bạn có thể liên hệ với Cardiac Home để được thăm khám tim mạch tại nhà vô cùng nhanh chóng và tiện lợi.

Với đội ngũ bác sĩ tim mạch chuyên nghiệp, trang thiết bị hiện đại như máy điện tâm đồ, Holter điện tâm đồ 24/24, có khả năng tầm soát rối loạn nhịp tim sớm và tư vấn kế hoạch điều trị chuẩn xác giúp bạn đề phòng và ngăn chặn nhanh chóng bệnh rối loạn tim mạch

Ngoài ra, Cardiac Home còn cung cấp các dịch vụ khám lâm sàng, điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm máu,.. giúp phát hiện các vấn đề tim mạch từ sớm, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp, bảo vệ tim mạch của bạn và những người thân yêu trong gia đình.