Đột quỵ là một trong những căn bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thường xuất hiện ở các bệnh nhân trung niên và người cao tuổi. Ngày nay, do nhiều nguyên nhân và lối sống không lành mạnh khiến cho đối tượng mắc đột quỵ đang dần trẻ hoá. Việc nhận biết bệnh và biết cách sơ cứu đột quỵ kịp thời sẽ giúp giảm thiểu tỷ lệ tổn thương não và nâng cao khả năng được cứu chữa khi tới bệnh viện. Không chỉ cần phải biết mà bạn cần phải biết cách sơ cứu đúng. Những thông tin hữu ích dưới đây sẽ hướng dẫn cách sơ cứu đột quỵ đúng cách cho bạn.
Nhận biết đột quỵ sớm
Để nhận biết được căn bệnh này, trước tiên bạn cần phải hiểu rõ về khái niệm:
Đột quỵ là gì?
Trong y học đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não chịu tổn thương nghiêm trọng do quá trình vận chuyển máu lên não bị gián đoạn hoặc suy giảm khiến cho não bị thiếu oxy và không đủ chất dinh dưỡng để nuôi tế bào. Tế bào có thể chết dần nếu không được cung cấp máu, dinh dưỡng trong vài phút. Quá trình này diễn ra cực kỳ nhanh và nếu không được sơ cứu, cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể mất đi các chức năng vận động hoặc tử vong.
Thông thường có hai loại đột quỵ chính:
- Đột quỵ do thiếu máu: Nguyên nhân này chiếm khoảng 85% các ca đột quỵ hiện nay. Tình trạng này được hiểu là các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch gây cản trở quá trình máu lưu thông lên não.
- Đột quỵ do xuất huyết: Đây là tình trạng mạch máu dẫn lưu máu đến não bị vỡ khiến cho một lượng máu lớn lưu thông ồ ạt gây xuất huyết. Mạch máu vỡ có thể có nhiều nguyên nhân do thành mạch mỏng hoặc xuất hiện các vết nứt.
Nhận biết sớm các dấu hiệu và biết cách sơ cứu đột quỵ cơ bản là những bước cơ bản giúp phòng tránh các rủi ro nguy hiểm của căn bệnh này.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh đột quỵ
Thông thường các biểu hiện của bệnh đột quỵ khá giống với một số bệnh thông thường nên nhiều người thường chủ quan và bỏ qua. Các dấu hiệu của bệnh thường xuất hiện và biến mất rất nhanh nhưng thường lặp đi lặp lại. Vì vậy bạn cần lưu ý một số biểu hiệu quan trọng sau:
- Cơ thể bị mệt mỏi cảm thấy kiệt sức, phần mặt bị tê cứng không có cảm giác, việc cười trở nên khó khăn hoặc méo mó.
- Cử động tay chân trở nên khó khăn hoặc tê liệt một bên chi. Một trong những biểu hiện chính xác nhất với bệnh nhân nghi bị đột quỵ là không thể nâng hai tay qua đầu cùng lúc.
- Người bệnh nói chuyện khó khăn, không tròn vành rõ chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể thử những câu nói ngắn, đơn giản. Nếu họ không thể nói thì có thể người đó đang có dấu hiệu đột quỵ.
- Không thể phối hợp được các hoạt động hoặc cơ thể mất thăng bằng.
- Có các cơn đau đầu dữ dội, cảm thấy buồn nôn hoặc bị nôn.
Người bị đột quỵ có thể xuất hiện một vài dấu hiệu trên. Thực tế, tuỳ thuộc vào thể trạng sức khoẻ của mỗi người mà dấu hiệu có thể khác nhau.
>>> Xem thêm: 7 dấu hiệu đột quỵ trước 1 tuần bạn cần biết để phòng ngừa
Hướng dẫn sơ cứu đột quỵ
60 phút là thời điểm vàng cho bệnh nhân đột quỵ, mỗi phút trôi qua mức độ tổn thương hệ thần kinh sẽ càng nghiêm trọng. Chính vì vậy việc sơ cứu kịp thời là cực kì cần thiết. Hướng dẫn cách sơ cứu đột quỵ bao gồm:
- Gọi điện thoại ngay cho cấp cứu 115
- Nghiêng nhẹ cơ thể bệnh nhân để phần đầu và phần lưng nghiêng 45 độ để tránh bị sặc do nôn ói, co giật gây ngừng thở.
- Nới lỏng quần áo ở phần ngực và phần bụng, thường xuyên kiểm tra hô hấp cho người bệnh. Trọng trường hợp bị ngưng tim có thể tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực.
- Có thể dùng khăn mỏng quấn vào ngón trỏ để lấy sạch đờm và dãi trong miệng. Trong trường hợp bị co giật có thể dùng đũa quấn vải mềm ngáng miệng không cho cắn vào lưỡi.
- Mang theo đơn thuốc hoặc các loại thuốc mà bệnh nhân đang uống cho bác sĩ
Lưu ý khi sơ cứu đột quỵ
Khi tiến hành sơ cứu với bệnh nhân bị đột quỵ người sơ cứu cần chú ý các điều sau:
- Người sơ cứu phải bình tĩnh và giữ tỉnh táo, ngay lập tức tìm người trợ giúp và gọi cấp cứu
- Lưu ý các dấu hiệu thay đổi bất thường trên cơ thể người bệnh
- Nếu bệnh nhân có có dấu hiệu suy giảm ý thức hoặc nôn mửa cần đặt bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng an toàn.
- Tư thế hồi sức cấp cứu kéo một tay đặt lên má, lòng bàn tay hướng ra ngoài, kéo chân cùng phía co lên và nghiêng bệnh nhân về phía bạn.
>>> Xem thêm: 7 cách phòng ngừa đột quỵ tại nhà
Mỗi cá nhân nên chủ động theo dõi tình trạng sức khoẻ của bản thân để có thể phát hiện các biểu hiện kịp thời của bệnh đột quỵ. Theo dõi và học cách sơ cứu đột quỵ đúng để có thể giúp những người trong gia đình. Mong rằng những chia sẻ và hướng dẫn cách sơ cứu đột quỵ trên đây có thể giúp ích cho bạn.