Bài viết được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ tim mạch, sáng lập viên Cardiac Home
Hiện đang công tác tại Viện Tim Mạch, Bệnh Viện Bạch Mai
Các bệnh lý liên quan đến huyết áp là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tim mạch cũng như có thể gây nên nhiều biến chứng nặng nề khác cho cơ thể như não, mắt, thận, mạch máu,… Một số trường hợp nặng sẽ dẫn đến đột quỵ, tàn phế hay tử vong. Nắm được cách đo huyết áp chuẩn xác chính là một trong những yếu tố hàng đầu giúp bạn kiểm soát tốt thông số huyết áp của bản thân, có phương án điều trị kịp thời nếu phát hiện tình trạng bệnh. Cùng Cardiac Home tham khảo ngay cách đo huyết áp đúng, chuẩn xác sau đây để tự thực hiện tại nhà kiểm tra tình trạng huyết áp cho mình cùng gia đình.
Lý do bạn nên biết kỹ thuật đo huyết áp
Đo huyết áp sẽ tuân theo nguyên lý đó là bơm căng băng tay bằng cao su để làm mất mạch đập của một động mạch sau đó sẽ từ từ xả dần hơi ra và tiến hành ghi lại những phản ứng của động mạch. Những giá trị huyết áp tâm thu, tâm trương ghi lại sẽ giúp nhận biết được tình trạng của người được kiểm tra xem có đang mắc chứng huyết áp cao, huyết áp thấp hay không.
Biết kỹ thuật đo huyết áp chính xác sẽ giúp cho bạn theo dõi tốt hơn tình trạng huyết áp của mình, nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bất thường có thể xảy ra từ đó có các cách xử lý cho phù hợp. Đây là điều cực kỳ quan trọng hỗ trợ cho việc chăm sóc sức khỏe của bạn và những người thân yêu, đặc biệt là với những người lớn tuổi hay những người bị bệnh, gặp vấn đề về huyết áp. Nếu đo huyết áp sai cách sẽ ảnh hưởng lớn đến độ chính xác của kết quả. Như việc khiến những người mắc chứng huyết áp thấp bị nhầm tưởng về tình trạng sức khỏe của mình hay những người mắc bệnh huyết áp không điều trị kịp thời, sử dụng thuốc sai thời điểm.
Kỹ thuật đo huyết áp chính xác
Để hỗ trợ cho việc chẩn đoán các bệnh về huyết áp có tính chính xác cao thì việc đo huyết áp đúng là yếu tố không thể bỏ qua. Sau đây là một số kỹ thuật, cách đo huyết áp chuẩn xác mà bạn cần nắm:
Quy định khi đo huyết áp
- Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tầm 15 phút trước khi tiến hành đo
- Kiểm tra các bộ phận, thiết bị của máy đo huyết áp nhưng bơm cao su, van, dải băng quấn, áp lực kế đồng hồ,… để đảm bảo thông số đo đạc cho tính chính xác cao
- Vị trí đo thường nằm ở động mạch cánh tay, với một số trường hợp đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ sẽ có thể đo đạc ở động mạch khoeo chân hay các vị trí khác trên cơ thể
- Trong quá trình ghi kết quả đo đạc cũng ghi kèm vị trí đo huyết áp
- Khi muốn đo huyết áp ở vị trí nào thì nên tìm động mạch ở khu vực đó
- Trong khi bơm không dừng giữa chừng rồi mới bơm tiếp vì sẽ cho kết quả sai
- Khi xả hơi cần xả liên tục đến khi kim, cột thủy ngân dần hạ về mức 0.
- Khi phát hiện chỉ số đo huyết áp không bình thường như huyết áp kẹt, trụy mạch, tăng huyết áp kịch phát, bệnh nhân bị sốc,… thì cần liên hệ ngay đến bác sĩ điều trị để hỗ trợ xử lý kịp thời
- Đo huyết áp tối thiểu 2 lần, mỗi lần cách tầm 2 phút. Nếu thấy trị số huyết áp giữa các lần chênh nhau trên 10mmHg thì cần cho bệnh nhân nghỉ tầm 5 phút và tiến hành đo đạc trở lại. Trị số huyết áp được ghi nhận sẽ lấy con số trung bình giữa 2 lần đo cuối
- Số đo ghi lại theo đơn vị mmHg ở dạng huyết áp tâm thu/ huyết áp tâm trương (vd như: 126/ 82 mmHg). Không làm tròn số quá hàng đơn vị để sử dụng hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán, giám sát tình hình bệnh nhân của các bác sĩ
- Khi đo huyết áp cần ghi nhận cả tần số tim thông qua nghe tim hay bắt mạch để loại trừ tình trạng rối loạn nhịp tim
>>> Xem thêm: Đo huyết áp tại nhà – Phương pháp bảo vệ an toàn sức khỏe cơ bản
Dụng cụ đo huyết áp
Những dụng cụ cần có để tiến hành đo huyết áp sẽ gồm có:
- Huyết áp kế hay còn gọi là máy đo huyết áp: Là máy đo đạc hiển thị thông số huyết áp của người được kiểm tra. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại huyết áp kế khác nhau như là: Huyết áp thủy ngân, máy đo huyết áp đồng hồ hay máy đo huyết áp điện tử
- Túi hơi: Nên chọn đúng kích thước túi hơi cho từng bệnh nhân để giảm bớt sai số trong quá trình đo huyết áp
- Ống nghe tim phổi (có thể có hoặc không)
Quy trình đo huyết áp
Để đo huyết áp chính xác sẽ cần thực hiện theo đúng quy trình sau đây:
- Người đo huyết áp cần được nghỉ ngơi yên tĩnh trong từ 5 phút – 10 phút trước khi tiến hành đo
- Trước 2 tiếng đo huyết áp không được sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê
- Người được đo cần ngồi đúng tư thế: Cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp gấp khuỷu tay ngang tim, lưng tựa vào ghế. Chân không bắt chéo mà cần được đặt hoàn toàn xuống mặt đất. Ngoài tư thế ngồi đo huyết áp thì cũng có thể đo ở tư thế đứng, nằm. (Những người cao tuổi mắc chứng đái tháo đường sẽ được đo huyết áp ở tư thế đứng để nhằm xác định được có mắc tình trạng hạ huyết áp tư thế hay không)
- Các thiết bị đo đạc huyết áp cần được kiểm tra tiêu chuẩn định kỳ. Bề dài bao đo nằm trong băng quấn tối thiểu cần bằng 80% so với chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay.
- Khi đo cần quấn băng đủ chặt, phần dưới bao đo nằm cách trên nếp lằn khuỷu tay tầm 2cm. Máy huyết áp kế cần ở mức 0 của thang đo ngang mức tim.
- Trong trường hợp không sử dụng máy đo huyết áp điện tử tự động thì trước khi đo huyết áp cần xác định vị trí của động mạch cánh tay để đặt ống nghe vào. Nếu mạch còn đập thì tiến hành bơm thêm hơi vào tầm 30mmHg và sau đó thả ra với tốc độ 2mmHg – 3mmHg/ nhịp đập. Huyết áp tâm thu là lúc xuất hiện tiếng đập đầu tiên, huyết áp tâm trương là lúc mất hẳn tiếng đập.
- Không nói chuyện, xao nhãng trong quá trình đo huyết áp
- Nếu đo đạc lần đầu sẽ cần đo huyết áp ở cả 2 cánh tay. Nếu bên cánh tay nào có trị số huyết áp cao hơn sẽ sử dụng để theo dõi tình trạng huyết áp về sau
- Khi đo huyết áp nhiều lần sẽ càng nâng cao tính chính xác của tình trạng huyết áp ở bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân mắc các chứng rối loạn nhịp tim
- Kiểm tra huyết áp nhanh chóng trong khoảng thời gian dài từ 24h – 48h với những người mắc bệnh huyết áp, tim mạch ngay tại nhà thì có thể lựa chọn sử dụng Holter huyết áp
>>> Xem thêm: Các phương pháp thay đổi lối sống trong điều trị tăng huyết áp
Cách đọc chỉ số huyết áp
Bên cạnh việc biết cách đo huyết áp chuẩn xác thì biết cách đọc được chỉ số huyết áp cũng là điều cực kỳ quan trọng, chúng giúp bạn đánh giá được tình trạng huyết áp hiện tại của mình có đang ở mức bình thường hay không.
Chỉ số huyết áp bình thường
Với những người có chỉ số huyết áp bình thường sẽ có thông số:
- HA tâm thu từ 90mmHg – 130mmHg
- HA tâm trương từ 60mmHg – 85mmHg
Chỉ số huyết áp thấp
Những người mắc chứng huyết áp thấp sẽ có thông số: HA tâm thu <85mmHg hoặc HA tâm trương <60mmHg. Người mắc chứng huyết áp thấp thì máu rất khó lưu thông, không cung cấp đủ để các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường, nhất là não bộ. Từ đó dễ gây nên các biểu hiện như là buồn nôn, chóng mặt, hoa mắt,…
Chỉ số huyết áp cao
Với những người mắc huyết áp cao sẽ được phân chia độ tăng huyết áp theo nhiều mức:
- Tiền tăng huyết áp: Chỉ số HA tâm thu sẽ từ 130mmHg – 139mmHg, HA tâm trương sẽ từ 85mmHg – 90mmHg
- Tăng huyết áp độ 1: Chỉ số HA tâm thu sẽ từ 140mmHg – 159mmHg, HA tâm trương sẽ từ 90mmHg – 99mmHg
- Tăng huyết áp độ 2: Chỉ số HA tâm thu sẽ từ 160mmHg – 179mmHg, HA tâm trương sẽ từ 100mmHg – 109mmHg
- Tăng huyết áp độ 3: Chỉ số HA tâm thu >= 180mmHg, HA tâm trương >= 110mmHg
- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: chỉ số HA tâm thu >= 140mmHg, HA tâm trương <90mmHg
Nên đo huyết áp lúc nào trong ngày để cho kết quả chính xác nhất?
Để cho kết quả đo huyết áp chính xác sẽ là lúc bạn đang ở trạng thái cân bằng, không có nhiều suy nghĩ hay bị căng thẳng, lo lắng. Thời gian đo huyết áp chính xác nhất sẽ là tầm 30 phút sau khi thức dậy vào buổi sáng, sau khi thực hiện các công việc vệ sinh cá nhân và trước khi sử dụng bữa sáng. Ngoài ra còn cần đảm bảo tuân thủ các yêu cầu như:
- Quá trình đo huyết áp không bị gián đoạn bởi các hoạt động khác
- Sau khi thức dậy hay sau khi ăn sáng là hai thời điểm không nên đo huyết áp
- Tránh đo huyết áp sau khi đã thực hiện các hoạt động thể lực, vận động
>>> Xem thêm: Có cần dùng thuốc huyết áp suốt đời? Và trả lời từ Bác sĩ
Trên đây là tổng hợp những thông tin chia sẻ về cách đo huyết áp chuẩn xác kèm theo đó là hướng dẫn cách đọc chỉ số huyết áp như thế nào cho đúng để nhận biết tình trạng sức khỏe. Thực hiện đo huyết áp thường xuyên là điều nên làm, nhất là với những người cao tuổi hay những người mắc các bệnh về huyết áp. Chúng giúp tầm soát và điều trị sớm khi có vấn đề xảy ra, phòng tránh được các biến chứng nguy hiểm như đau tim, đột quỵ,…
Để được đo huyết áp chính xác ngay tại nhà, tư vấn điều trị nhanh chóng từ các bác sĩ chuyên nghiệp với dày dặn kinh nghiệm chuyên môn đang làm việc tại các cơ sở tim mạch hàng đầu nước ta thì Cardiac Home chính là lựa chọn không thể bỏ qua. Chúng tôi mang đến dịch vụ khám, chẩn đoán, tư vấn điều trị toàn diện cho khách hàng đồng thời hỗ trợ theo dõi, kiểm soát các bệnh lý về huyết áp và tim mạch tại nhà cực kỳ tiện lợi, có độ chính xác cao, cực kỳ uy tín. Liên hệ ngay đến Cardiac Home để được hỗ trợ tư vấn các gói dịch vụ và đặt lịch ngay!