Bệnh mạch vành mạn tính: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Bài viết được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ tim mạch, sáng lập viên Cardiac Home

Hiện đang công tác tại Viện Tim Mạch, Bệnh Viện Bạch Mai

 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất trên toàn thế giới. Tỷ lệ tử vong do bệnh mạch vành mạn đã lên mức đáng báo động là 14%. Bệnh mạch vành mạn tính (CCA) là một tình trạng nguy hiểm gây tổn thương cơ tim và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Để nhận biết dấu hiệu, nguyên nhân cũng như hướng điều trị hiệu quả căn bệnh này, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây cùng Cardiac Home.

Bệnh mạch vành mạn tính là bệnh gì?

Trước khi đi vào những nguyên nhân hay phương pháp điều trị bệnh, trước tiên chúng ta cần nắm rõ bệnh mạch vành mạn tính là gì. Bệnh tim do thiếu máu cục bộ (còn được gọi là bệnh mạch vành mạn tính) đề cập đến việc tim không được cung cấp đầy đủ máu do các mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn, thường là do xơ vữa động mạch.

Bệnh nhân mắc bệnh mạch vành mạn còn được gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ ổn định hay hội chứng mạch vành mạn tính. Việc chẩn đoán được thực hiện dựa trên các triệu chứng đau thắt ngực ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tim do xơ vữa động mạch. Đối tượng mắc phải căn bệnh này bao gồm nam giới, phụ nữ sau mãn kinh, người cao huyết áp, ngược mắc bệnh đái tháo đường và rối loạn lipid máu,…

Đau thắt ngực chính là triệu chứng điển hình của bệnh mạch vành mạn tính, dấu hiệu này đề cập đến sự khó chịu ở ngực do thiếu máu. Đau thắt ngực có thể do người bệnh gắng sức làm một việc gì đó và cơn đau này sẽ giảm bớt hoặc biến mất khi ngừng vận động hay uống thuốc.

benh ly mach vanh man tinh la gi

Dấu hiệu bệnh mạch vành mạn tính là gì?

Bệnh nhân mắc hội chứng mạch vành mạn tính có thể biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng ở khác nhau. Trong các triệu chứng phổ biến thì đau thắt ngực là triệu chứng nhiều người mắc phải nhất. Tình trạng đau tức ngực có thể xảy ra khi người bệnh gắng sức, căng thẳng hoặc khó thở tăng lên.

Nguyên nhân của triệu chứng đau thắt ngực là do nguồn cung cấp máu không đủ để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ tim. Dưới đây là những đặc điểm của cơn đau thắt ngực ở những bệnh nhân mắc bệnh mạch vành mạn:

  • Vị trí đau: Thường nằm sau xương ức, cơn đau không chỉ xảy ra ở ngực mà còn ở vai, cổ, hàm dưới, thượng vị và lưng. Hướng đau kéo dài lên vai trái, sau đó xuống cánh tay trái và các ngón tay út hay ngón áp út là phổ biến.
  • Nguyên nhân gây đau thường gặp nhất: Cơn đau thắt ngực thường do người bệnh gắng sức, tác động lực mạnh, xúc động quá mức hoặc nằm lạnh sau khi ăn. Khi bệnh nhân ngừng gắng sức hoặc uống nitroglycerin và một số thuốc giảm đau khác thì cơn đau sẽ giảm dần.
  • Tính chất của cơn đau: Các cơn đau thắt ngực thường được mô tả là cảm giác căng, tức và áp lực lên ngực lên bệnh nhân khó thở.
  • Độ bền của cơn đau: Cơn đau do bệnh mạch vành mạn thường kéo dài từ 3 đến 5 phút, nhưng hiếm khi quá 20 phút. Cơn đau thắt ngực kéo dài dưới một phút được coi là nguyên nhân khác ngoài tim nên bạn cần lưu ý.

Ngoài đau thắt ngực thì bệnh nhân còn gặp một số triệu chứng khác như: Đau đầu, khó thở, mệt lả, buồn nôn hoặc đổ mồ hôi,…

>>> Xem thêm: 3 hình thái của hội chứng động mạch vành cấp tính

Do đâu bị mắc bệnh mạch vành mạn tính?

Bệnh mạch vành mạn tính chủ yếu do xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa động mạch có thể làm cho lòng mạch bị thu hẹp và gây thiếu máu cục bộ nuôi tim. Các nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác mảng bám làm tắc động mạch vành, chúng ta có thể kết luận nguyên nhân của căn bệnh này là do nhiều yếu tố như sau:

Yếu tố không thay đổi được

  • Tuổi tác: Nguy cơ phát triển bệnh tim mạch vành mạn tính sẽ cao hơn nếu bạn lớn tuổi.
  • Giới tính: Bệnh tim mạch vành phổ biến ở nam giới hơn nữ giới và nó phổ biến hơn ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, rủi ro cao hơn đối với cả hai giới khi chúng ta đạt đến 65 tuổi.
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim sớm: Nam giới trước 55 tuổi và nữ giới trước 65 tuổi nếu có tiền sử mắc bệnh tim sớm thì đây cũng được xem là nguyên nhân gây ra bệnh mạch vành mạn.
  • Chủng tộc: Người Nam Á có nguy cơ mắc bệnh mạch vành mạn tính và các nguy cơ tim mạch cao hơn 50% so với người da trắng.

nguyen nhan mac benh mach vanh

Yếu tố có thể thay đổi

  • Hút thuốc lá
  • Tâm lý căng thẳng, hay bị stress bởi nhiều vấn đề khác nhau
  • Béo phì, thừa cân
  • Lối sống ít vận động, ăn uống không có khoa học, ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, chất béo không tốt.
  • Uống nhiều bia rượu và sử dụng một số các chất kích thích khác quá nhiều.
  • Các bệnh mạn tính khác cũng có thể là nguy cơ dẫn đến bệnh mạch vành mạn: huyết áp cao, tiểu đường, bệnh rối loạn lipid máu…

Quy trình chẩn đoán bệnh mạch vành mạn tính

Những dấu hiệu lâm sàng ở trên rất quan trọng để chẩn đoán bệnh động mạch vành. Thông tin này vô cùng cần thiết để hỗ trợ các bác sĩ nhận biết và phân biệt bệnh mạch vành cấp tính hay mãn tính, bệnh tim mạch vành và bệnh ngoài mạch vành (phổi, tiêu hóa và cơ). Đầu tiên, các bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng xuất hiện ở bệnh nhân để chẩn đoán bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh mạch vành hay không, các triệu chứng và dấu hiệu đó bao gồm:

  • Cơn đau sau xương ức
  • Đau do gắng sức hoặc thay đổi cảm xúc
  • Người bệnh thấy đỡ đau sau khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch

Nếu cơn đau thắt ngực do các nguyên nhân khác gây ra thì có thể chỉ bao gồm 2 yếu tố hoặc 1 yếu tố và cơn đau thường sẽ không kéo dài.

chan doan benh mach vanh man tinh

Bệnh nhân mắc bệnh mạch vành mạn tính có thể không gặp các triệu chứng đau thắt ngực điển hình. Do đó để chắc chắn về vấn đề mà bệnh nhân đang gặp phải, các bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiẹn các xét nghiệm bổ sung để xác định chẩn đoán, các xét nghiệm bổ sung bao gồm:

  • Kiểm tra gắng sức: siêu âm, điện tâm đồ
  • Chụp mạch vành bằng CT đa lát cắt (MSCT)

Các phương án điều trị bệnh mạch vành mạn tính

Sử dụng thuốc

Phương pháp điều trị nội khoa đầu tiên luôn được khuyến khích đối với điều trị bệnh mạch vành. Một số loại thuốc có tác dụng rất tốt trong việc điều trị cơn đau thắt ngực ổn định và cũng như kiểm soát được các yếu tố nguy cơ được bác sĩ kê đơn bao gồm:

  • Thuốc giãn mạch Nitroglycerin có tác dụng làm giảm cơn đau thắt ngực nhanh chóng.
  • Thuốc chẹn beta giao cảm, chẹn kênh canxi có tác dụng kiểm soát được huyết áp và nhịp tim của bệnh nhân.
  • Aspirin ngăn ngừa kết tập tiểu cầu và giúp giảm sự hình thành cục máu đông.
  • Thuốc statin hạ mỡ máu bảo vệ tim mạch.
  • Thuốc ức chế men chuyển được kê toa cho bệnh nhân bị suy tim hoặc tiểu đường.

dieu tri mach vanh man tinh bang thuoc

>>> Xem thêm: 6 nhóm thuốc điều trị mạch vành được bác sĩ khuyên dùng

Thay đổi lối sống

Phương pháp điều trị không dùng thuốc bằng cách thay đổi lối sống thật sự rất quan trọng đối với bệnh mạch vành mạn tính. Nó giúp giảm các yếu tố rủi ro có thể thay đổi được ở bệnh nhân, bao gồm:

  • Ngừng hút thuốc lá, thuốc lào hoặc bất cứ loại thuốc hút gì gây hư tổn phổi, nội tạng và tim mạch.
  • Ăn nhạt và giảm ăn đường, tinh bột, dầu mỡ như thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn,… Nên tiêu thụ trái cây, rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt và cá tươi mỗi ngày.
  • Hạn chế uống rượu bia: Phụ nữ nên hạn chế uống ít hơn một đơn vị rượu bia mỗi ngày, trong khi nam giới nên uống ít hơn hai đơn vị bia rượu. Một đơn vị tiêu chuẩn tương đương với 14g rượu,  354ml bia 5 độ, 150ml rượu 12 độ và 45ml rượu mạnh 40 độ.
  • Kiểm soát cân nặng của bản thân, tránh ăn quá no và không để cơ thể rơi vào tình trạng thừa cân hoặc béo phì khi tim mạch đã bị tổn thương hoặc mắc bệnh mạch vành mạn.
  • Tập thể dục thường xuyên: Ít nhất năm ngày mỗi tuần, trong mỗi buổi tập cần duy trì ít nhất 30 phút, sau đó tăng dần cường độ tùy theo khả năng của bạn để cải thiện sức khỏe tổng quát.
  • Thư giãn, xả stress thông qua các hoạt động giải trí, chia sẻ cùng người thân; Điều trị rối loạn với bác sĩ tâm lý nếu cần thiết.
  • Nên khám sức khỏe tim mạch định kỳ 1-2 năm/lần để nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân.

Can thiệp, phẫu thuật

Sau đây là các quy trình phẫu thuật phổ biến để tái tưới máu động mạch vành cho bệnh nhân, đối tượng cần can thiệp phẫu thuật bao gồm:

  • Nhóm nguy cơ lâm sàng cao, chẳng hạn như những người đã được cấp cứu ngừng tim,..
  • Tổn thương động mạch vành nặng, nghiêm trọng không thể điều trị ổn định bằng thuốc đơn thuần.
  • Không thể giảm đau bằng điều trị y tế, thuốc không còn tác dụng giảm đau thì cần can thiệp để làm giảm cơn đau.

Những đối tượng này thường được điều trị bằng đặt stent, nong bóng, bắc cầu nối chủ vành,… 

phau thuat

>>> Xem thêm: Người bị bệnh mạch vành nên ăn gì? – Lời khuyên từ bác sĩ tim mạch

Cardiac Home là dịch vụ khám tim mạch tại nhà có uy tín và được nhiều người tin tưởng lựa chọn. Đội ngũ bác sĩ tim mạch tại Cardiac Home đều đã được đào tạo chuyên sâu, luôn cập nhật những kiến thức mới để mang đến những chẩn đoán chính xác cho bệnh nhân. 

Cardiac Home cung cấp các dịch vụ khám tim mạch tại nhà bao gồm điện tâm đồ, siêu âm tim, khám lâm sàng và xét nghiệm. Những bệnh nhân có vấn đề về tim sẽ được theo dõi và điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau được bác sĩ hướng dẫn. Cardiac Home mang đến cho khách hàng sự an tâm về sức khỏe tim mạch của mình và cả gia đình thân yêu.

Những thông tin được cung cấp trong bài viết trên đây sẽ giúp bạn xác định và ngăn ngừa bệnh mạch vành mạn hiệu quả. Vui lòng liên hệ với Cardiac Home hoặc để lại bình luận bên dưới bất kỳ câu hỏi nào.